Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, người dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ các nghề thủ công, trong đó có nghề làm gốm lâu đời và buôn bán nhỏ. Ðến Thổ Hà hôm nay, vẫn còn đó dấu tích của nghề truyền thống và những nếp nhà rêu phong, mái đình cong trầm mặc vắt ngang qua chiều dài lịch sử văn hóa Việt. Thổ Hà có ba di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận là đình, chùa và văn chỉ. Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, là một trong những cổng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Quanh khu vực cổng làng, đình và chùa có rất nhiều cây đa đều đã hàng trăm năm tuổi. Trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây hơn 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ.
![]() |
Cổng làng Thổ Hà là một trong những cổng đẹp nhất vùng hạ và trung lưu sông Cầu. |
Chùa Thổ Hà có tên là "Ðoan Minh Tự" được xây dựng theo kiến trúc nội công, ngoại quốc, bao gồm tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa kề sát ngay sau đình. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá... Từ tòa tam bảo theo hai dãy hành lang vào tới Ðộng Tiên là một công trình kiến trúc rất quý hiếm. Ðộng Tiên ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi từ bỏ kinh thành vào động tu hành rồi đắc đạo.
Vẻ đẹp cổ kính, thuần Việt, sự hồn hậu, mến khách của người dân với nghề làm gốm cổ truyền, làng Thổ Hà là một địa chỉ du lịch hấp dẫn với du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa.
ÐỖ NGỌC YÊN
BÁO NHÂN DÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét